Chi tiết

  • ly-do-sinh-vien-o-to-moi-ra-truong-khong-xin-duoc-viec-lam_24.jpg

    Lý do sinh viên ngành ô tô mới ra trường không xin được việc làm

    Mặc dù là ngành Hot trong thời nay nhưng tại sao các bạn sinh viên ngành ô tô khi ra trường thường khó xin được việc làm hoặc có xin được cũng rất khó ổn định và phát triển về sau. Đây không chỉ là vấn đề mới gặp phải trong những năm gần đây, mà nó đã tồn tại từ rất lâu, từ các thế hệ sinh viên trước.

    Vậy tại sao sinh viên ngành ô tô ra trường khó xin việc? Điều gì đã cản trở những bước đi của các bạn? Bạn muốn xin việc tốt hơn đúng với công việc mình yêu thích, thì bạn cần những điều gì? Ở bài viết này, Việc Ô Tô sẽ giải đáp tất cả thắc mắc trên cho bạn.

    Thứ nhất, Khả năng kỹ thuật còn quá yếu

    Như tất cả chúng ta đều biết, việc học các kiến thức tại các giảng đường của các trường đại học, các trung tâm đào tạo nghề dạy kỹ thuật sửa chữa ô tô hiện nay chỉ là các kiến thức nền tảng bao quát, còn chung chung về ô tô. Và đa số các kiến thức này ít được vận dụng vào trong các garage, nó chỉ là kiến thức mang tính lý thuyết, không vận dụng cao vào trong thực tế sửa chữa ô tô. Tất nhiên khi bạn đã học qua trường lớp thì bạn sẽ tiếp cận nghề tốt hơn và đi nhanh hơn so với những bạn chưa từng được học.

    Muốn sửa được ô tô hay các nghề khác như cố vấn dịch vụ, sale… các bạn bắt buộc phải có sự trải nghiệm thực sự tại các gara, các hãng hoặc cần được đào tạo một cách chuyên sâu, bài bản đúng chuyên ngành mà bạn đang muốn theo đuổi.

    Các bạn sinh viên ngành ô tô cần phải hy sinh thêm ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm tiếp theo sau khi ra trường, để có những kinh nghiệm bền vững và có được một mức lương ổn định như mong muốn. Điều này nó đúng trên mọi ngành nghề chứ không riêng gì nghề kỹ thuật ô tô của chúng ta.

    Thứ hai, Chưa có kỹ năng mềm

    Điều mà các bạn sinh viên ô tô mới ra trường còn thiếu, và thiếu sót nhiều hơn so với các bạn học kinh tế, ngoại giao… đó chính là các kỹ năng mềm.

    Kỹ năng mềm là gì? Nó là một kiến thức tổng quan bao gồm khả năng xin việc, khả năng ứng xử, tinh tế, ngoại giao trong công việc. Một điều tưởng chừng đơn giản như làm hồ sơ xin việc, hay viết email xin việc các bạn vẫn chưa thể làm được thì rất khó để bạn có được một công việc tốt.

    Khi mà các chủ gara, các hãng còn chưa biết bạn là ai, khả năng của bạn trong công việc thế nào. Thì ấn tượng tốt về ứng xử khi tiếp xúc với các bạn là một điểm cộng cực lớn để bạn có thể xin được một công việc tốt, đúng với mong muốn của bạn.

    Tất cả mọi công việc, nhiều lúc các doanh nghiệp chỉ cần sự chăm chỉ, trung thực và có ý chí vươn cao là đủ, còn kinh nghiệm thì họ sẵn sàng đào tạo bạn. Có nghĩa là, sự cố gắng của bạn còn quý hơn nhiều so với kinh nghiệm của bạn, chưa nói đến các bạn sinh viên mới ra trường thì chắc chắn kinh nghiệm là điều chưa có.

    Thứ ba, Chưa có tính kỷ luật trong học tập và công việc

    Để tồn tại được lâu trong các doanh nghiệp, thứ quan trọng mà bạn sinh viên mới ra trường cần có là tính kỷ luật cao trong công việc. Điều này rất ít trường lớp nào đào tạo được cho bạn, vì nó không cụ thể khiến các bạn sinh viên khó tiếp cận và nắm bắt được. Tính cẩu thả, làm việc không nguyên tắc là điều thường gặp nhất của sinh viên ô tô mới ra trường, rất dễ bị các doanh nghiệp đào thải.

    Trong học tập cũng vậy, các bạn học bộ môn Nguyên Lý Mác – Lê Nin có câu “học – học nữa – học mãi” đã làm khó rất nhiều các bạn sinh viên. Nên việc trau dồi thêm kiến thức chưa bao giờ là thừa đối với một ai.

    Sau những buổi làm vất vả, bạn cũng cần học hỏi thêm, nghiên cứu tìm tòi thêm những điều giúp ích để phát triển công việc. Bạn muốn một công việc nhàn hạ, chắc chắn bạn phải học tập. Và ngược lại, khi các bạn không phát triển được bản thân, bạn sẽ lùi lại rất xa so với những người khác.

    Thứ tư, Cái tôi quá cao và sự ảo tưởng

    Một cái tôi quá cao, dễ tự ái, dễ xung đột với các đồng nghiệp là điều rất nhiều anh em đang gặp phải. Cái tôi cao này nguyên nhân xuất phát từ sự ảo tưởng về kiến thức và ảo tưởng trong công việc. Sự ảo tưởng đó là gì? 

    Ảo tưởng về khả năng của mình, với những kiến thức mình đang có. Ảo tưởng về một mức lương cao, trong khi mình vẫn chưa làm được gì, và khả năng đáp ứng nhu cầu công việc của gara không cao. Sự ảo tưởng này đã vô tình “bóp chết” tương lai của bạn và sẽ đẩy bạn đi theo một hướng khác, làm bạn “đánh rơi” toàn bộ những kiến thức mà bạn đã từng học, từng làm.

    Vì thế, một là bạn thật giỏi để các doanh nghiệp đến rước bạn về công ty họ làm, hai là bạn không giỏi thì không nên ảo tưởng và chấp nhận mức lương thử việc để dần tiến bộ.

    Hãy nhớ rằng, mọi ngành nghề, nếu bạn chưa đủ kỹ năng, đủ kinh nghiệm thì bạn chắc chắn chưa có mức lương cao. Và thành công hay không là nhờ việc bạn tiếp cận tốt với sự việc và công việc đang diễn ra.

    Điều cuối cùng, Không xác định rõ được đích đến

    "Bạn đến từ đâu không quan trọng, điều quan trọng là bạn đi đâu"
    “Hãy bắt đầu công việc từ đích đến”

    Đó chính là những lời khuyên chân thành mà Việc Ô Tô muốn gửi đến các bạn trong hành trình định hướng tương lai. Hàng ngày, hàng tháng, hãy đặt ra cho mình những mục tiêu để chinh phục.

    Để xác định rõ được đích đến, hãy đề ra quy tắc cho bản thân, lắng nghe và trau dồi nhiều kỹ năng vừa học vừa làm song song. Ví dụ, bạn muốn giỏi về sửa chữa ô tô, hãy học từ các đồng nghiệp có kinh nghiệm, đọc nhiều sách, nghiên cứu các tài liệu. Bạn muốn làm cố vấn dịch vụ ô tô, hãy trau dồi các kỹ năng về bán hàng, đàm phán, thuyết phục, bảo dưỡng sửa chữa cơ bản, nguyên lý phụ tùng…. Đó chính là định hướng giúp bạn vững vàng hơn trong nghề rất nhiều.

    Trên đây là những chia sẻ khách quan của Việc ô tô gửi đến các bạn sinh viên ngành ô tô mới ra trường. Mong rằng những điều trên sẽ giúp các bạn có thêm những góp ý giúp các bạn tự tin và sớm có một công việc ưng ý. Các bạn đọc và đóng góp thêm những ý kiến để cộng đồng ô tô Việt Nam ngày càng phát triển.